Cách Nghiên cứu từ khóa – Ms. Cao Thị Hương

😎Đây là cách mình Nghiên cứu từ khóa để có thể lên top 10 vù vù!

Nghiên cứu từ khóa là một khâu quan trọng trong một chiến dịch SEO, tuy nhiên nó không hề khó làm nếu biết cách. Chỉ trong một bài viết này mình sẽ chia sẻ cho các bạn toàn bộ các bước nghiên cứu từ khóa để phục vụ cho chiến dịch SEO và cả kế hoạch nội dung SEO bài bản.

Nghiên cứu từ khóa là gì và tại sao cần thiết trong SEO?

– Chắc các bạn cũng biết chúng ta sử dụng từ khóa để tìm kiếm thông tin trên Internet, và đồng thời các công cụ tìm kiếm sử dụng từ khóa để đưa ra kết quả tìm kiếm trả ngược lại cho user. Đó là nguyên tắc hoạt động của từ khóa.

– Còn Nghiên cứu từ khóa là quá trình tìm kiếm các từ và cụm từ mà người dùng có thể sử dụng để tìm kiếm thông tin trên Internet. Nghiên cứu từ khóa giúp chúng ta biết những từ khóa nào được sử dụng nhiều nhất và những từ khóa nào có khả năng đem lại hiệu quả tốt nhất cho chiến lược SEO của chúng ta.

Và tiếp theo dưới đây mình sẽ chia sẻ các bước nghiên cứu từ khóa từ A-Z

Bước 01: Tìm từ khóa chủ quan

1.1. Brainstorming và liệt kê từ khóa chủ quan càng nhiều càng tốt

– Từ khóa chủ quan là từ khóa chúng ta tự nghĩ ra dựa vào sự hiểu biết của chúng ta đối với sản phẩm và khách hàng.

– Hãy đặt bản thân mình vào vị trí của người tìm kiếm trên Google, liệu khi tìm hiểu sp/dv này thì chúng ta sẽ gõ những từ khóa nào. Hãy liệt kê ra hết càng nhiều càng tốt.

– Để dễ dàng hơn, bạn nên liệt kê các từ khóa chủ quan theo 3 nhóm từ khóa: Từ khóa sản phẩm, từ khóa thương hiệu và từ khóa nhu cầu.

Từ khóa sản phẩm: là từ khóa đề cập trực tiếp tới sp/dv mình muốn SEO. Khi search những từ khóa này, người dùng muốn tìm hiểu trực tiếp về sp/dv để cân nhắc mua hàng.

Ví dụ bạn muốn SEO về Ví Da Nữ, thì các từ khóa sản phẩm sẽ là:

Ví da cá sấu nữ

Ví nữ da bò

Ví nữ da bò màu nâu

Ví da nữ HCM, …

Từ khóa thương hiệu: là những từ khóa vừa nhắc đến sản phẩm vừa nhắc đến một thương hiệu nào đó.

Ví dụ chủ đề Ví Da Nữ, các từ khóa thương hiệu sẽ là:

Ví da nữ Juno

Ví da nữ Gucci

Ví da nữ Hồng Hạnh,..

Từ khóa nhu cầu: Từ khóa nhu cầu là những từ khóa liên quan đến cách sử dụng sp/dv. Từ khóa này dễ SEO hơn từ khóa thương hiệu và từ khóa sp/dv.

Ví dụ chủ đề Ví Da Nữ, các từ khóa nhu cầu là:

Cách phối đồ với ví da nữ

Cách vệ sinh ví da nữ

Phối ví da nhỏ với quần jean nữ,…

Tips nhỏ: ở bước này, nếu là làm SEO cho khách hàng, các bạn nên cùng với khách hàng ngồi lại và liệt kê ra càng nhiều từ khóa chủ quan càng tốt. Vì khách hàng là người hiểu sản phẩm và khách hàng của họ nhất, vì thế họ sẽ cho ra được nhiều từ khóa hơn là chính mình tự làm.

1.2. Gom nhóm từ khóa chủ quan

Sau khi đã có một danh sách từ khóa chủ quan, chúng ta cần gom chúng lại thành từng nhóm. Những từ khóa chung 1 nhóm phải có ý nghĩa tương đồng, hoặc gần giống nhau.

Vì công cụ nghiên cứu từ khóa của Google là Keyword Planner chỉ cho nhập tối đa 10 từ khóa một lần để tìm kiếm, nên bạn sẽ phải gom từ khóa lại thành từng nhóm tối đa 10 từ khóa.

Ví dụ: Nhóm 1: Nhóm này liên quan đến việc sửa chửa, bảo dưỡng ví

Cách vệ sinh ví da nữ

Cách sửa khóa kéo ví da nữ

Tẩy vết ố trên ví da nữ

Nhóm 02: Nhóm này nói về các cách phối đồ

Phối ví da nhỏ với quần jean nữ

Cách phối đồ với ví da nữ

Dùng ví da nữ như thế nào

Sau khi hoàn thành bước này, chúng ta sẽ đến phần thứ hai là tìm từ khóa khách quan.

Bước 02: Tìm từ khóa khách quan

– Từ khóa khách quan là những từ khóa thực sự có người tìm kiếm, có dữ liệu tìm kiếm trong lịch sử, do công cụ xuất ra, chứ không phải là từ khóa chủ quan (ở Bước 1) do chúng ta tự nghĩ ra.

– Chúng ta cần kiểm chứng lại những từ khóa chủ quan này bằng công cụ, để lọc ra những từ khóa mà người dùng thực sự tìm kiếm. Những từ khóa này gọi là từ khóa khách quan, tức là từ khóa có số liệu tìm kiếm thực tế.

Sau đây sẽ là những bước tìm từ khóa khách quan.

2.1. Tạo tài khoản Google Ads

Để tìm từ khóa khách quan, chúng ta sẽ sử dụng công cụ Keyword Planner – Công Cụ Lập Kế Hoạch Từ Khóa, được cung cấp bởi chính Google. Để sử dụng công cụ này thì chúng ta cần tạo tài khoản Quảng Cáo Google – Google Ads trước (phần tạo tài khoản google ads khá đơn giản nên các bạn tự tìm hiểu và tạo nhé-lưu ý sẽ có cách tạo tài khoản google ads miễn phí).

2.2. Tìm từ khóa khách quan từ từ khóa chủ quan

– Sau khi có tài khoản Google Ads, bạn vào công cụ Keyword Planner – Công Cụ Lập Kế Hoạch Từ Khóa theo các bước sau.

B1: Hãy chọn tính năng Discover new keywords – Khám Phá Từ Khóa Mới. Ở tính năng này, chúng ta chỉ có thể nhập tối đa 10 từ khóa.

– Sau khi nhập 10 từ khóa vào, công cụ sẽ cho chúng ta số liệu tìm kiếm lịch sử của 10 từ khóa đó và gợi ý thêm cho chúng ta những từ khóa khác liên quan khác.

B2: Sau đó bạn hãy kéo xuống và tick vào những từ khóa liên quan đến chủ đề chúng ta muốn SEO. Bạn hãy chọn hết tất cả những từ khóa liên quan, không bỏ một từ nào.

Sau khi đã chọn hết từ khóa, bạn chọn Thêm từ khóa. Lúc này những từ khóa bạn chọn sẽ được thêm vào trong 1 danh sách gọi là Kế Hoạch Từ Khóa.

B3: Sau khi bạn đã tìm từ khóa khách quan cho nhóm từ khóa chủ quan thứ nhất, bạn tiếp tục làm như vậy cho tất cả các nhóm tiếp theo cho đến hết.

2.3. Tìm kiếm thêm từ khóa khách quan

Bạn nhập từ khóa chủ quan-> cho ra từ khóa khách quan-> nhập lại những từ khóa khách quan đó-> cho ra thêm các từ khóa khách quan mới.

Cách làm cụ thể như sau:

B1: Bạn nhìn vào danh sách từ khóa đã chọn, chọn ra những từ khóa có volume > 1000. (tức từ khóa class A, B và C)

B2: Bạn tìm kiếm cho từng từ khóa một, làm lần lượt cho đến hết

B3: Bạn lại vào danh sách từ khóa, và làm lại bước 1 với 2 cho đến khi không còn từ khóa Class A, B, C nào nằm ngoài kế hoạch. Bạn sẽ phải làm lặp lại bước này 5 đến 10 lần mới hết từ khóa.

Giải thích các chỉ số:

– Avg. Monthly Searches – Số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng

– Competition – Cạnh tranh: cho biết mức độ cạnh tranh của vị trí đặt quảng cáo đối với một từ khóa.

– Ad impression share – Khả năng hiển thị quảng cáo của từ khóa

– Top of page bid (low range) – Giá thầu đầu trang (thấp)

– Top of page bid (high range) – Giá thầu đầu trang (cao)

Nói chung, chúng ta chỉ cần quan tâm đến chỉ số Avg. Monthly Searches – Số lần tìm kiếm trung bình hàng tháng, các chỉ số còn lại dành cho các bạn chạy quảng cáo Google Ads.

2.4. Gom nhóm và Lọc từ khóa khách quan

Bây giờ bạn sẽ cần sắp xếp từ khóa khách quan lại theo nhóm. Lần này thì không giới hạn 1 nhóm 10 từ khóa. Và đảm bảo chúng đáp ứng yêu cầu sau: Các từ khóa cùng thể hiện một ngách nội dung nhỏ.

Ví dụ:

Nhóm 01: Nhóm này nói chung về Ví Nữ Da Cá Sấu

Ví nữ dài da cá sấu

Ví nữ dài da cá sấu màu đỏ

Ví nữ da cá sấu thật

Ví nữ da cá sấu

Ví da cá sấu nữ cao cấp

Nhóm 02: Nhóm này nói về Làm Ví Da Nữ

Cách làm ví da nữ handmade

Cách làm ví nữ da bò tại nhà

Tự làm ví da nữ

Dụng cụ làm ví da nữ

Làm ví da nữ có khó không

Sau khi gom nhóm xong, bạn hãy lọc và bỏ bớt những từ khóa tương đồng nhau về nghĩa cũng như cách viết.

Ví dụ:

vi nu da ca sau dep nhat => Ví nữ da cá sấu đẹp nhất.

vi nu dabo giare => ví nữ da bò giá rẻ

Phần này có thể nói là khó nhất trong quy trình nghiên cứu từ khóa SEO. Nếu bạn mới làm SEO, bạn có thể bị bối rối khi phân nhóm, có những từ khóa có thể bỏ vào nhiều nhóm nhưng không biết nên bỏ vào nhóm nào.

Bước 03: Tìm từ khóa đầu nhánh

– Từ khóa đầu nhánh là từ khóa đại diện cho một nhóm từ khóa có cùng nội dung nhất định.

– Chúng ta cần xác định từ khóa đầu nhánh để tìm ra những từ khóa con trong nhóm từ khóa đó, từ đó làm kế hoạch nội dung. Các loại từ khóa đầu nhánh có thể phân loại như sau:

Class A: >100.000 search/tháng: siêu khó

Class B: >10.000 search/tháng: khó

Class C: >1.000 search/tháng: Trung bình

Class D: >100 search/tháng: dễ

Class E: <100 search/tháng: rất dễ

Lưu ý: cách phân loại trên đây chỉ mang tính khái quát. Vì có nhiều từ khóa tuy lượng search thấp nhưng rất khó. Đó là những từ khóa liên quan đến dịch vụ B2B và bán sỉ. Chúng ta sẽ còn 1 bước phân loại độ khó ở Bước 04 để xác định những từ khóa nào nên SEO.

– Đối với người mới làm SEO, chúng ta nên chọn từ khóa class D và E để làm trước.

Bây giờ bạn nhìn vào các nhóm từ khóa ở Bước 03. Mỗi nhóm từ khóa, bạn lựa ra một từ khóa đại diện cho cả nhóm. Từ khóa này nên đáp ứng tất cả các tiêu chí sau:

Bao quát nội dung của cả nhóm (quan trọng nhất)

Ngắn nhất

Có lượng search cao nhất

Tiếp theo, bạn lựa ra các từ khóa thuộc Class D và Class E trong số những từ khóa đại diện đó. Những từ khóa Class D và E này chính là những từ khóa đầu nhánh. Từ những từ khóa này, chúng ta sẽ tìm từ khóa con và lên kế hoạch nội dung để triển khai SEO.

Bước 04: Nghiên cứu độ khó từ khóa SEO

– Bây giờ chúng ta cần trả lời câu hỏi là nên SEO nhóm từ khóa nào trước vì có quá nhiều nhóm từ khóa.

– Vì vậy chúng ta phải bắt tay vào việc nghiên cứu độ khó của các từ khóa, sau đó lựa ra những nhóm từ khóa phù hợp nhất để làm SEO trước.

– Để hỗ trợ bạn làm bước này dễ dàng hơn, mình sẽ để 1 template có sẵn công thức nghiên cứu độ khó & tích hợp Kế Hoạch Lập Nội Dung SEO dưới cmt nhé!

Nghiên cứu độ khó của từ khóa

Để nghiên cứu từ khóa bạn cần tìm hiểu về ý nghĩa của 3 chỉ số sau:

1. Kết quả Search

Đây là số kết quả Google cho ra khi bạn search từ khóa bất kỳ trên Google. Chỉ số này cho thấy trên internet, đang có bao nhiêu nội dung liên quan đến từ khóa chúng ta search. Chỉ số này càng lớn, tức là có nhiều nội dung liên quan đến từ khóa chúng ta muốn làm, độ khó sẽ cao hơn.

2. Kết quả Allintitle

– Allintitle là số kết quả mà trên tiêu đề có chứa toàn bộ từ khóa chúng ta search. (All in Title tức là “toàn bộ trong tiêu đề”).

– Chỉ số này cho thấy số lượng nội dung trên internet đang nói trực tiếp về từ khóa chúng ta tìm kiếm. Vì thế allintitle cho thấy chính xác hơn độ khó của của từ khóa mà ta muốn SEO.

Để tìm kiếm allintitle chúng ta sẽ dùng cú pháp:

allintitle:keyword

Ví dụ: allintitle:cách làm sạch ví da nữ

3. Đầu gấu

Đầu gấu là những website đã SEO rất tốt từ khóa mà chúng ta muốn SEO, có kết quả trên trang nhất Google là Trang Chủ của website đó. Chúng ta chỉ tìm đầu gấu trong 10 kết quả đầu, tức là trong trang nhất.

Kết quả tìm kiếm Google

– Khi search từ khóa “Ví nữ da bò”, có 1 kết quả là Trang Chủ: kakas.vn. (Link Trang Chủ chính là Domain của website, đằng sau không có thêm gì hết. Link trang nội dung thì đằng sau domain còn có link của trang nội dung.)

– Ngoài ra, nếu kết quả search cho ra một trang danh mục sản phẩm (là trang liệt kê nhiều sản phẩm) của các sàn thương mại điện tử, thì chúng ta cũng coi là 1 đầu gấu.

Lưu ý: để thu được kết quả chính xác, chúng ta phải dùng Trình Duyệt Ẩn Danh khi search tìm kiếm đầu gấu.

– Nếu từ khóa nào mà trên trang nhất Google mà có nhiều đầu gấu, thì chúng ta không nên đụng vào những từ khóa này khi mới làm SEO, vì rất khó giành được thứ hạng từ những đầu gấu này.

Công thức tính độ khó của từ khóa

Độ khó từ khóa = Tỷ lệ của Kết quả Search + (Tỷ lệ của Kết quả Allintitle x 1.5) + (Tỷ lệ của số đầu gấu x 2)

Tỷ lệ kết quả search: lấy số kết quả search của 1 từ khóa chia cho tổng kết quả search của tất cả các từ khóa. Và tương tự 2 chỉ số kia cũng vậy

Công thức này hoàn toàn do kinh nghiệm làm SEO cá nhân do thầy mình dạy, có tham khảo ý kiến từ một vài đồng nghiệp. Vì thế nó chỉ mang tính tương đối để chúng ta xác định sẽ SEO từ khóa nào trước.

Bước 05: Tìm từ khóa con

Từ khóa con là những từ khóa dài, có chứa từ khóa đầu nhánh (còn gọi là từ khóa cha).

Ví dụ:

Từ khóa đầu nhánh là: Ví da nữ xách tay, từ khóa con là:

Ví da nữ xách tay Nhật

Ví da nữ LV xách tay

Ví da nữ Gucci xách tay HCM.

– Các từ khóa con này chính là các từ khóa mục tiêu để chúng ta viết bài SEO. Sau đây sẽ là các bước tìm từ khóa con.

5.1. Search Keywordtool.io

– Bạn vào công cụ Keywordtool.io và nhập lần lượt các từ khóa vào, công cụ sẽ cho ra những từ khóa con, và một số từ khóa liên quan.

– Bản miễn phí sẽ không cho ra số Volume hàng tháng, và chỉ cho ra 50 – 60% số keyword con. Bạn có thể cân nhắc mua công cụ này với chi phí 150.000đ/tháng, đủ để bạn thoải mái sử dụng.

Lưu ý: có một vài từ khóa con ngắn, có thể cho ra thêm các từ khóa cháu chắt chút chít, bạn hãy bỏ từ khóa con đó vào công cụ và search thêm.

– Sau khi bạn search từ khoá con cho các từ khóa đầu nhánh, thì bạn search luôn cho những từ khóa trong nhánh đó mà chúng ta đã gom nhóm trong Bước 2.4. Việc này giúp chúng ta đảm bảo không bị lọt từ khóa, có được càng nhiều từ khóa con càng tốt.

5.2. Lọc và gom nhóm từ khóa con

– Sau khi có các file từ khóa con, chúng ta sẽ gom nhóm các từ khóa con này lại theo từng nhóm. Với mỗi 1 nhóm này chúng ta sẽ viết 1 bài viết SEO.

– Bạn hãy gom nhóm các từ khóa con đó lại theo tiêu chí sau: Những người tìm kiếm các từ khóa trong 1 nhóm sẽ cùng muốn đọc cùng 1 nội dung duy nhất.

Ví dụ: Với 3 từ khóa

shop ví da nữ xách tay

shop ví da nữ xách tay đẹp

shop ví da nữ xách tay uy tín

Khi search từ khóa này, người dùng muốn tìm nội dung nói về những nơi bán ví da nữ xách tay đẹp và uy tín. Chúng ta sẽ gom 3 từ khóa này vào 1 nhóm và viết 1 bài cho nó.

– Phần gom nhóm từ khóa này vô cùng quan trọng, bởi vì nếu bạn gom sai thì sẽ tạo sai nội dung, không thỏa mãn được nhu cầu tìm kiếm của người dùng.

Mẹo 01:

Hãy luôn tự hỏi “Nếu người dùng search những từ khóa này, thì họ có muốn đọc cùng 1 nội dung duy nhất không?” Nếu câu trả lời là có thì những từ khóa này gom vào 1 nhóm.

Mẹo 02:

Với những từ khóa nào bạn thấy phân vân không biết có nên bỏ chung nhóm hay không, bạn có thể kiểm tra bằng cách search Google ẩn danh lần lượt các từ khóa đó.

Nếu kết quả trên trang nhất Google cho các từ khóa đó giống nhau đến 70%, tức là search từ khóa nào cũng ra nhiêu đó kết quả, thì những từ khóa đó gom chung 1 nhóm được.

5.3. Chọn từ khóa đại diện cho từng nhóm từ khóa con

Sau khi đã phân nhóm các từ khóa con, bạn sẽ cần chọn từ khóa đại diện cho từng nhóm từ khóa con. Từ khóa đại diện nên đáp ứng tất cả các tiêu chí sau:

Đại diện cho nội dung của cả nhóm (quan trọng nhất)

Từ khóa ngắn nhất

Volume cao nhất

5.4. Sắp xếp thứ tự SEO cho các nhóm từ khóa con

– Cũng giống như các từ khóa đầu nhánh, các từ khóa con cũng cần được sắp xếp thứ tự SEO sao cho có thể lên top nhanh nhất.

– Đối với các từ khóa con, chúng ta chỉ cần quan tâm tới chỉ số Allintitle. Từ khóa nào có Allintitle thấp thì SEO trước.

Một kế hoạch SEO tầm bao nhiêu bài, bao nhiêu từ khóa là đủ?

– Với SEO tổng thể, không có giới hạn cho lượng nội dung và từ khóa để SEO. Bạn nghiên cứu làm sao để đạt được mục tiêu traffic mong muốn thì thôi.

Hoặc là bạn có thể xây dựng kế hoạch SEO dựa trên số bài viết. Giả sử bạn muốn SEO trong vòng 1 năm, tức 52 tuần.

12 tuần đầu, mỗi tuần post 7 bài, tức là 84 bài.

40 tuần sau, mỗi tuần post 3 bài, tức là 120 bài.

Như vậy bạn cần lên kế hoạch sao cho đủ 204 bài viết.

NGuồn: Trần Thúy Vy