Tâm Lý Người Dùng : Tại Sao Nghiện Video Ngắn ?

Vì sao những nội dung video ngắn lại gây nghiện đến thế?

Điều gì ẩn sau những video ngắn 15s trên TikTok và Instagram Stories khiến bạn say mê lướt mãi mà không dừng được: chỉ do thuật toán hay còn lý do nào khác?

1. Khi khả năng tập trung giảm, ta ưu tiên nội dung ngắn

Nội dung ngắn hấp dẫn hơn vì khả năng tập trung của loài người đang dần giảm xuống, phần nào vì tốc độ tiêu thụ thông tin quá nhanh. Nghiên cứu khác cho thấy, nếu nội dung không hấp dẫn với họ, người dùng thường mất hứng thú chỉ sau 8 giây.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, dạng video ngắn hấp dẫn khi người dùng có khả năng tập trung ngày càng giảm và ngại ngần các cuộc hội thoại dài. Lúc này, các video ngắn giúp họ duy trì cảm giác “thân mật ảo” với bạn bè mà không cần phải thực sự trò chuyện.

2. Thiết kế để tối đa hoá thời gian sử dụng

Đừng áy náy nếu bạn không kiềm chế được cơn thèm TikTok. Các mạng xã hội đều áp dụng thiết kế thuyết phục dựa trên tâm lý học, để tác động đến hành vi người dùng.

Từ những nút bấm, thông báo, các ứng dụng mạng xã hội đều được thiết kế để tối đa hóa sự chú ý và đem lại trải nghiệm tự nhiên nhất. Ví dụ, video chạy ngay khi ta mở app TikTok, bạn không cần mất thời gian click hay tìm nội dung. Những video đặc biệt hợp với sở thích và thói quen sử dụng sẽ tự tìm tới bạn, nhờ vào thuật toán đề xuất của các nền tảng.

3. Muốn biết cuộc sống “chân thật” của người khác

Các ứng dụng này “gãi” đúng nỗi tò mò của người dùng về cuộc sống của người khác và mong muốn thuộc về một nhóm. Khảo sát của Facebook cho thấy đa số người dùng cảm thấy Stories chân thật hơn, vì nội dung sẽ biến mất sau 24 giờ. Đồng thời, họ dùng Stories vì tò mò người khác đang làm gì và muốn xem những nội dung live, không bị chỉnh sửa.

4. Tạo dựng danh tính của mình

Bên cạnh những người “nghiện” tiêu thụ nội dung, cũng có những người dành rất nhiều thời gian chỉ để lên ý tưởng, quay nháp và chỉnh sửa những mẩu video 15 giây. Tính kể chuyện và sáng tạo khi tạo video ngắn là một công cụ để ta xây dựng một cốt truyện về bản thân.

Theo giáo sư Nir Eyal, việc thích xem lại những mẩu Stories của mình có thể được giải thích bởi “hiệu ứng IKEA”. Đây là thiên kiến nhận thức khiến bạn định giá một sản phẩm cao hơn giá trị thực nếu đã bỏ ra nhiều công sức tạo nên nó. Xem lại những mẩu TikTok tấu hài mình đã mất công dàn dựng cũng là một cách để ta củng cố hình tượng hài hước trong lòng.

5. Đây có phải cách bạn hòa hoãn cảm xúc tiêu cực?

Trong cuộc sống áp lực, tìm đến thú vui giải toả dễ dàng là điều hoàn toàn tự nhiên. Nếu việc binge-watch là một cơ chế đối phó trước căng thẳng, ép bản thân từ bỏ mạng xã hội một cách cứng nhắc chưa chắc đã tối ưu.

Lúc này, bạn nên tìm những cơ chế đối phó thích ứng lành mạnh như chia sẻ với người thân, duy trì các sở thích và hoạt động thể chất. Các bài tập ổn định cảm xúc, thực hành chánh niệm cũng giúp bạn cân bằng tinh thần và giúp thời gian rảnh giàu ý nghĩa.

nguồn : Vietcetera